Dấu hiệu nhiễm HIV đặc trưng trong từng giai đoạn phát triển bệnh 

Chủ nhật - 26/04/2020 17:05
Mỗi năm có hàng triệu người trên thế giới được xác định mắc HIV-AIDS. Mặc dù các triệu chứng của bệnh thường khác nhau theo từng giai đoạn và trên từng đối tượng cụ thể, vẫn có những dấu hiệu HIV chung để có thể nhận biết và xác định liệu bản thân có đang phơi nhiễm với virus này hay không cũng như giai đoạn tiến triển của bệnh.

 

Tổng quan về virus HIV và hội chứng HIV-AIDS

Virus HIV (Human Immunodeficiency Virus)

HIV là một trong những vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên toàn cầu trong suốt nhiều thập kỷ qua. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tính đến năm 2022, có tới gần 39 triệu người trên khắp thế giới đang sống chung với căn bệnh thế kỷ này. 
 


Con đường lây nhiễm HIV chủ yếu là lây nhiễm qua đường tình dục, đường máu, và mẹ truyền cho con. Ở kỳ lây nhiễm, hầu hết đều tìm thấy cả các hạt virus tự do lẫn virus trong tế bào miễn dịch bị nhiễm.


Sau khi xâm lấn vào cơ thể, virus HIV tồn tại chủ yếu trong các tế bào miễn dịch trọng yếu bao gồm tế bào hỗ trợ T (hầu hết là T CD4+), các đại thực bào, và các tế bào tua. 


Hiện nay, không có phương pháp loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể và bệnh thường bùng phát trở lại sau khi ngừng điều trị, mặc dù trong suốt quá trình phát triển của y học trên thế giới, đã có nhiều đột phá và tiến bộ trong việc điều trị và kiểm soát căn bệnh xã hội này. 


Hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS)

Nhiễm virus HIV gây chết các tế bào miễn dịch T CD4+. Khi số lượng các tế bào CD4+ giảm xuống dưới 200 TB/uL máu, khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào gần như bị vô hiệu. Khi đó bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, AIDS với biểu hiện là sự suy giảm miễn dịch dẫn đến sự tấn công của các vi sinh vật cơ hội gây bệnh. 


Biểu hiện chính là nhiễm trùng, nhiễm khuẩn tại nhiều vị trí cơ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây suy kiệt và cuối cùng dẫn đến tử vong.
 


Dấu hiệu HIV qua từng giai đoạn

Bệnh lý HIV phát triển bao gồm 4 giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Giai đoạn nhiễm virus cấp tính

Giai đoạn 2: Giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng 

Giai đoạn 3: Giai đoạn nhiễm trùng có triệu chứng 

Giai đoạn cuối: Hội chứng suy giảm miễn dịch toàn thân (AIDS).


Giai đoạn 1: Virus HIV cấp tính

Đây là giai đoạn các triệu chứng xuất hiện nhiều và rầm rộ nhất, thường xảy ra sau khi phơi nhiễm với virus 2-4 tuần. Thông thường, khi xét nghiệm sẽ thấy tải lượng virus trong máu rất cao nhưng dễ bị bỏ qua do biểu hiện bệnh tương tự với cảm sốt thông thường. Nguyên nhân do cơ thể phản ứng với sự xâm nhập của virus.


Triệu chứng phổ biến nhất hay gặp là:

- Sốt: Người nhiễm virus có thể xuất hiện những cơn sốt cao trong vòng 2-4 tuần sau phơi nhiễm. Sốt thường xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, kèm theo các triệu chứng: đau cơ, mệt mỏi, đau đầu.

- Viêm đau họng: Viêm họng và đau họng là một dấu hiệu khá thường gặp trong giai đoạn sớm sau nhiễm trùng HIV. Nhiều trường hợp, người bệnh có thể có cảm giác khó nuốt.

Phát ban toàn thân: dấu hiệu phát ban thường là các nốt hoặc ban đỏ xuất trên da, có thể kèm/ không kèm theo các vết sưng và viêm đau.

Cảm lạnh: nhiễm trùng HIV giai đoạn sớm có thể xuất hiện các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, có thế có cả đau, khó thở trong ngực.

- Tiêu chảy: Tiêu chảy cũng thường xảy ra và có thể kéo dài, gây ra tình trạng mất nước, nghiêm trọng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.


Giai đoạn 2: Nhiễm trùng không triệu chứng

Trong giai đoạn này, xét nghiệm có thể thấy số lượng bạch cầu giảm không đáng kể. Virus phát triển và sinh sản với tốc độ chậm và được kiểm soát. Cơ thể hầu như sinh hoạt như 1 người bình thường, không có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào.


Tuy nhiên, mặc dù không có dấu hiệu, virus HIV ở thời gian này vẫn có khả năng lây nhiễm cao nếu người bệnh không biết mình nhiễm bệnh.


Giai đoạn 3: Nhiễm trùng có triệu chứng nhẹ

Trong giai đoạn thứ 3 này, bệnh nhân đã bắt đầu có các dấu hiệu nhiễm trùng nặng lên, thường là tình trạng sụt cân nhẹ, viêm loét miệng và nướu, phát ban lan tỏa, viêm đường hô hấp trên thường xuyên và nặng hơn. 
 

Đây là giai đoạn chuyển tiếp, nếu không có sự kiểm soát kịp thời thì sẽ nhanh chóng chuyển qua giai đoạn cuối AIDS.


Giai đoạn 4: Giai đoạn suy giảm miễn dịch toàn thân (AIDS)

AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV và khi chuyển sang giai đoạn này, người bệnh sẽ mất hoàn toàn khả năng lao động cũng như thời gian sống còn rất ngắn. 


Người bệnh thường tử vong do mắc đồng thời nhiều bệnh lý cơ hội như viêm màng não, nhiễm khuẩn tiêu hóa, nấm, lao, viêm gan,…. dẫn đến sự phá hủy nhiều cơ quan nội tạng, cùng với tình trạng suy kiệt kéo dài.


Các dấu hiệu của bệnh trong giai đoạn cuối thường phức tạp và rầm rộ, có thể kể đến:

- Ho nặng, khó thở: các cơn ho thường nặng, xuất hiện dày đặc và kéo dài, khó thở tăng, ngay cả khi nghỉ ngơi.

- Nổi hạch toàn thân kèm theo cơn sốt, ớn lạnh: Hạch xuất hiện nhiều và dày đặc, bắt đầu ở vùng cổ, nách sau đó đến lưng, ống chân trong thời gian kéo dài.

- Buồn nôn và nôn: cảm giác buồn nôn và nôn xuất hiện thường xuyên, cản trở nghiêm trọng đến việc người bệnh có thể hấp thu dinh dưỡng.

- Tiêu chảy kéo dài cả tháng: tiêu chảy dẫn đến suy kiệt, mất nước và điện giải, ảnh hưởng đến tim mạch và thần kinh

- Viêm loét và hoại tử nhiều nơi trên cơ thể: do sự hoạt động của nấm, vi khuẩn và vi sinh vật cơ hội.

- Sụt cân nhanh: do mất khả năng hấp thu dinh dưỡng, nôn và tiêu chảy kéo dài. 

- Suy giảm hoặc tổn thương thần kinh.
 

Thông thường, kể từ khi khởi phát giai đoạn cuối, bệnh nhân chỉ sống được khoảng 2 năm, thậm chí vài tháng.

Dược sĩ Lưu Văn Hoàng - Tốt nghiệp dược sĩ Đại học Dược Hà Nội


Tài liệu tham khảo

1. Dược sĩ Kiều Trang, HIV/AIDS: Nguyên Nhân, Chẩn Đoán Và Phương Pháp Dự Phòng. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2023.

2. Bradley M Mathers và cộng sự (Ngày đăng: ngày 15 tháng 11 năm 2008). Global epidemiology of injecting drug use and HIV among people who inject drugs: a systematic review, Pubmed. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2023.

3. Powell MK và cộng sự  (2016). Opportunistic Infections in HIV-Infected Patients Differ Strongly in Frequencies and Spectra between Patients with Low CD4+ Cell Counts Examined Postmortem and Compensated Patients Examined Antemortem Irrespective of the HAART Era, Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2023.

Nguồn tin: trungtamchinhtrihoangmai.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây